14 ngày khám phá Kazakhstan và Kyrgyzstan của du khách Việt

Cưỡi ngựa, tắm suối nước nóng, ngắm đại bàng và dải ngân hà là những trải nghiệm của Nguyên trong chuyến du lịch từ Kazakhstan đến Kyrgyzstan.

Kazakhstan và Kyrgyzstan là hai quốc gia không giáp biển nằm ở khu vực Trung Á. Cả hai đất nước này đều bị chi phối bởi các dãy núi lớn, trùng điệp như Alai và Tien Shan, theo World Atlas.

Là người đam mê khám phá những vùng đất mới, Nguyễn Vũ Nguyên, 28 tuổi, ở Bình Phước, thường tìm kiếm những khung cảnh thiên nhiên đầy sắc màu trên khắp thế giới và lưu giữ chúng qua ống kính máy ảnh.

Trong chuyến du lịch gần nhất từ 27/8 đến 9/9, Nguyên đã mất một tháng lên lịch trình chi tiết để khám phá nhiều nhất có thể những cảnh đẹp được anh miêu tả là “siêu thực” của hai quốc gia Trung Á Kyrgyzstan và Kazakhstan.

Công dân Việt Nam được miễn visa ở cả hai quốc gia này nên việc xuất và nhập cảnh ở các cửa khẩu rất nhanh chóng. Nguyên mua vé chặng bay khứ hồi từ TP HCM, quá cảnh ở Hàn Quốc và hạ cánh tại sân bay ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan. Giá vé bay khứ hồi dao động 17 – 22 triệu, Nguyên cho biết.

Anh mua land tour 11 ngày của một hướng dẫn viên Kyrgyzstan với giá 800 USD (hơn 19 triệu đồng), bao gồm chi phí di chuyển, ăn ở, phí tham quan và cưỡi ngựa tại một số điểm.

Đặt chân đến Almaty, Nguyên di chuyển về hướng nam dọc theo dãy Thiên Sơn qua các điểm ở Kazakhstan như hẻm núi Charyn, thung lũng Saty, hồ Kol-say Lake 1, hồ Kol-say 2 và hồ Kaindy.

Cả Kazakhstan và Kyrgyzstan đều sở hữu những vẻ đẹp riêng. Nhưng trong chuyến đi, nơi khiến Nguyên ấn tượng nhất là hẻm núi Charyn. Hẻm núi thuộc dãy Thiên Sơn, nằm trong ba điểm tham quan tự nhiên chính cùng với hồ Kolsai và công viên Quốc gia Altyn-Emel, hình thành vùng “tam giác vàng” của khu vực đông nam Kazakhstan.

Charyn Canyon được xem là Grand Canyon của châu Á do quy mô nhỏ hơn, song mức độ ấn tượng không thua kém. Chạy dài khoảng gần 150 km dọc theo sông Charyn là những khối đá nhiều hình dạng và màu sắc thay đổi từ cam đậm đến nâu nhạt. Hẻm núi được hình thành qua giai đoạn lắng đọng trầm tích khác nhau, từ đá dung nham núi lửa ở dưới cùng cho đến lớp đá vụn màu đỏ đọng lại sau khi các dòng sông chảy qua.

“Những khối đá khổng lồ nằm san sát nhau trông như những tòa lâu đài thiên nhiên nổi bật và tráng lệ”, Nguyên nói.

Địa điểm thứ hai khiến Nguyên ấn tượng không kém là hồ Kaindy với những thân cây vân sam màu trắng nhìn như mọc ngược lên ở giữa hồ.

Hồ là hệ quả của trận động đất năm 1911 ở Kazakhstan, khi đất đá trên dãy Thiên Sơn sạt lở tạo thành một hồ chứa. Nước mưa từ các vách núi, thung lũng xung quanh đổ về đây tạo thành hồ Kaindy ở độ cao khoảng 2.000 m. Hiện hồ có chiều dài 400 m và chỗ sâu nhất là 30 m.

Rừng cây vân sam đã có từ trước khi hồ ngập nước. Sau hơn một thế kỷ, những thân cây trơ trọi vẫn đứng vững giữa lòng hồ, với màu nước xanh như ngọc tạo nên cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú, hiếm thấy trên thế giới, Nguyên chia sẻ.

Nhập cảnh Kyrgyzstan bằng đường bộ, Nguyên tiếp tục khám phá một số địa điểm nổi tiếng như vườn quốc gia Karakol, thung lũng Altyn Arashan, hồ Ala-kul, hẻm núi Skazka, hồ Issyk-kul, hồ Song-Kul, công viên quốc gia Ala-archa và thủ đô Bishkek.

Điểm nghỉ đầu tiên của anh tại Kyrgyzstan là Altyn Arashan, ngôi làng nhỏ được mệnh danh là “Golden Spa” với khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ trên một tấm bưu thiếp.

“Ở đây có suối nước nóng, núi tuyết ở phía xa nhuộm vàng bởi ánh nắng, đàn ngựa thong dong gặm cỏ bên những căn lều Yurt đặc trưng của dân du mục”, Nguyên kể.

Trong một ngày, du khách có thể trải nghiệm khí hậu của bốn mùa. Khí hậu trong lành của mùa xuân, ánh nắng rực rỡ của những buổi trưa mùa hạ, tiết trời se lạnh của mùa thu khi về chiều và cái rét buốt của mùa đông khi đêm xuống.

Nguyên cũng trải nghiệm tắm suối khoáng nóng tự nhiên ở làng. Khi ngâm mình dưới dòng nước nóng ấm, các phần cơ bắp như được mát xa sau khi vận động liên tục trong nhiều ngày. “Đây là cái giá hoàn toàn xứng đáng cho một chặng hành trình dài, khi vừa được thư giãn, vừa được ngắm khung cảnh đẹp như tranh vẽ”, Nguyên nói.

Ngày hôm sau, từ làng Altyn Arashan, Nguyên mất 3 tiếng cưỡi ngựa để đến chân núi và hơn một tiếng để leo lên đỉnh của hồ Ala – Kul với làn nước xanh màu ngọc bích. Nằm ở độ cao khoảng 3530 m, Ala – Kul là hồ trên núi thuộc hệ thống dãy Thiên Sơn, có chiều dài khoảng 2,3 km và rộng khoảng 0,7 km.

Khi đến đây, trời bất ngờ đổ mưa tuyết, nhiệt độ giảm sâu khiến Nguyên co ro, lạnh buốt vì không mang nhiều áo ấm.

Ở Kazakhstan có hẻm núi Charyn thì ở Kyrgyzstan có hẻm núi Skazka, nằm trong hẻm núi cùng tên có diện tích lớn hơn. Nơi đây còn được gọi là “hẻm núi thần tiên” hay “hẻm núi cổ tích” bởi những mảng địa chất nhiều màu sắc, chủ yếu là màu đỏ, cam, vàng.

Những mảng địa chất này thay đổi theo thời tiết. Trong điều kiện gió hoặc mưa, chúng hình thành những “bức phù điêu” độc đáo do thiên nhiên tạo ra.

Hẻm núi Skazka nằm bên cạnh hồ Issyk-kul. Chỉ cần leo lên một trong những tảng đá, du khách sẽ chiêm ngưỡng được bức tranh tuyệt đẹp của Hồ Issyk-Kul với tầm nhìn bao quát, Nguyên nói.

Issyk-Kul là hồ nước nổi tiếng nhất của Kyrgzystan và là hồ nước mặn trên núi lớn thứ hai thế giới. Với diện tích hơn 6.000 km2, Issyk-Kul lớn thứ 10 thế giới tính theo thể tích và cũng là hồ nước sâu thứ 7 thế giới với độ sâu 668 m. Chiều dài hơn 180 km của hồ chạy dọc theo con đường Tơ lụa huyền thoại.

Nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, tuyết trên núi tan ra hòa vào gần 120 con sông, suối là nguồn nước chính của hồ. Đứng ở một bên bờ hồ, du khách không thể nhìn thấy bờ bên phía đối diện. “Khung cảnh kỳ diệu như thể trước mặt là một đại dương rộng lớn nằm trên núi chứ không phải hồ nước”, Nguyên nói.

Không lớn bằng Issyk – kul nhưng khung cảnh ở hồ Song-Kul gây ấn tượng với thảo nguyên bát ngát và những đàn gia súc không thể đếm số lượng của người dân du mục chăn thả tự do.

Dưới thời tiết 0-2 độ C, màn đêm ở hồ Song-Kul được thắp sáng bởi dải ngân hà rực rỡ trong suốt hai tiếng. Hàng nghìn tinh tú lơ lửng trên bầu trời, trên nóc những căn lều Yurt khiến anh không thể rời mắt, bất chấp những cơn gió đưa hơi lạnh từ hồ thổi vào.

Nguyên được hướng dẫn viên cho biêt nếu muốn ngắm dải ngân hà, du khách nên canh những ngày cuối tháng âm lịch, tối trăng.

Hiện, các quốc gia Trung Á đã bước vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, khí hậu khắc nghiệt, người Việt khó thích nghi. Theo hướng dẫn viên bản địa, cuối đông và đầu xuân là thời điểm lạnh sâu nhất. Du khách nên đợi đến mùa hè, khoảng tháng 7 – 9. Lúc này trời ít mưa và lạnh, cỏ lên xanh và hoa dại nở rộ, phong cảnh nên thơ.

Tại Kazakhstan và Kyrgyzstan, tiếng Anh không phổ biến, việc đi tự túc khá khó khăn và tốn nhiều thời gian tìm hiểu cũng như gặp nhiều trở ngại về giao tiếp. Nguyên khuyên du khách nên mua land tour trọn gói để tiết kiệm thời gian và có thể trải nghiệm nhiều địa điểm.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *