Tại xã Nhà Nhạn, cung đường Mường Chà đi Mường Nhé, thị xã Mường Lay, cửa khẩu Tây Trang, hoa ban đang nở rộ.
Hoa ban được coi là loài hoa biểu tượng của tỉnh biên giới Điện Biên. Cây ban mọc tự nhiên trên rừng, được trồng trong vườn nhà, các trục đường, trường học. Hoa nở từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 4, là thời điểm khách thập phương đến tham dự lễ hội.
Dưới đây là những điểm hoa nở đẹp, theo gợi ý từ Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh, người dân và blogger du lịch, những người vừa có chuyến đi đúng dịp lễ hội (10 đến 13/3).
Thành phố Điện Biên Phủ
Xã Thanh Minh, đoạn đầu vào thành phố (cổng chào), đường Kênh Tả, chùa Linh Quang, khu hầm Đờ Cát gần cầu Mường Thanh, đường vào nghĩa trang Tông Khao, bậc thang lên tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ là các điểm nhiều hoa ban ở thành phố. Những nơi này cây ban được trồng thành hàng dài hai bên đường.
Theo anh Phạm Thạch Thành, 32 tuổi, người Điện Biên, khi tìm các điểm đến trên du khách nên hỏi “khu” thay vì “đường” vì người dân quen với tên gọi này hơn, như khu Thanh Minh, khu Kênh Tả.
Cửa khẩu Tây Trang
Từ TP Điện Biên Phủ, du khách đi theo quốc lộ 279 khoảng 35 km sẽ tới Tây Trang. Ngay lối vào bên ngoài khuôn viên cửa khẩu trồng rất nhiều hoa ban. Trên đường đi, du khách cũng sẽ thấy rừng ban trắng trên núi hoặc khu vực bản Na Ư.
Cung đường từ huyện Mường Chà sang huyện Mường Nhé
Nguyễn Thị Yến, 24 tuổi, blogger du lịch sống tại Bắc Giang vừa có chuyến đi Điện Biên, cho hay khu vực có hoa ban nở đẹp là bản Nà Sự (nằm trên quốc lộ 4H, dọc trục đường thuộc tuyến Mường Nhé). Ngoài ra, du khách có thể ghé các rừng ban trắng để có những bức ảnh độc đáo, đẹp nhất như Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), Chiêu Ly (xã Sa Lông, huyện Mường Chà), bản Dư O (huyện Điện Biên Đông) hay Nậm Cứm (huyện Mường Ảng).
“Một hàng cây trải dài uốn theo khúc cua, có cây toàn hoa, có cây đan xen lá”, Yến nói. Điểm cộng cho nơi này là xa thành phố nên vắng, không có người chụp nên du khách có thể thoải mái check-in.
Ngoài ra, du khách có thể ghé 4 rừng ban trắng để có những bức ảnh đẹp là Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), Chiêu Ly (xã Sa Lông, huyện Mường Chà), bản Dư O (huyện Điện Biên Đông) hay Nậm Cứm (huyện Mường Ảng). Thị xã Mường Lay, cách thành phố 100 km đi theo quốc lộ 12 cũng là nơi hoa ban đang nở đẹp.
Muốn có ảnh toàn cảnh hoa ban đẹp nhất, Thạch Thành gợi ý nên đến huyện Điện Biên Đông: “Bay flycam chụp ảnh rất đẹp vì cây rụng lá đồng đều, toàn sắc trắng”. Muốn chụp với người, nên đến rừng ban Tủa Thàng vì cây thấp, cành rủ. Đường đến Tủa Thàng theo đánh giá của Thạch Thành “hơi khó đi” và nên vừa đi phải vừa hỏi đường người dân.
Thạch Thành lưu ý du khách cẩn trọng khi chụp ảnh ở những nơi gần quốc lộ, nhiều xe đi lại. Một trong số đó là khu Thanh Minh. Cây ban cao, muốn có những bức ảnh đẹp, du khách sẽ phải đứng từ xa chụp, thường là giữa đường. “Chỉ nên chụp khi vắng người”, anh nói.
Nguyễn Thị Yến cho biết để chụp được ảnh đẹp cần nắng và trời xanh. Thời điểm lý tưởng nhất là sau bình minh và trước hoàng hôn. Khi đó, ánh sáng không quá gắt. “Hoa ban màu trắng phớt hồng, nên trừ màu trắng ra mọi người có thể mặc trang phục màu gì cũng đẹp để lên hình”, Yến nói và cho biết thêm có thể chọn áo cóm của người Thái hoặc áo dài.
Điện Biên cách Hà Nội khoảng 450 km. Du khách có thể đến bằng đường bộ hoặc đường bay. Phương tiện di chuyển thuận tiện nhất để đi lại trong tỉnh là ôtô gầm cao hoặc xe máy.
Ngoài chụp ảnh cùng hoa ban, du khách đến Điện Biên tháng 3-4 có thể tham gia các lễ hội truyền thống khác như Thành Bản Phủ (tưởng nhớ tướng Hoàng Công Chất), Tết Té nước, lễ Xên bản (cúng cầu an đầu năm mới) của người Thái, lễ Tra hạt của người Khơ Mú.