Mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm được coi là thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm vẻ đẹp rừng tràm Trà Sư (Châu Đốc, An Giang).
Rừng tràm Trà Sư, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cách TP. Long Xuyên gần 100km, cách TP. Châu Đốc 30km và nằm gần khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Tổng diện tích rừng tràm Trà Sư lên tới 850ha, là mô hình hệ sinh thái điển hình của vùng Tây sông Hậu.
Thời gian gần đây, rừng tràm này gây chú ý trên mạng xã hội và thu hút du khách ghé thăm khi là bối cảnh phục dựng khu chợ nổi miền Tây trong phim ‘Đất rừng phương Nam‘. Trong phim, khung cảnh chợ nổi được tái hiện với hàng chục ghe thuyền giao thương tấp nập, xung quanh là những hiệu buôn, tiệm ăn với biển hiệu vẽ tay hoài cổ. Đại cảnh quy tụ hơn 300 diễn viên quần chúng. Cây cầu nối hai bờ sông trong phim chính là đường dẫn vào bến thuyền tham quan rừng Trà Sư, An Giang ngoài đời thực.
Trên bờ, một số nhà lá, gian hàng, biển hiệu đạo cụ của bộ phim được giữ nguyên trạng để du khách tham quan, check-in. Một góc bối cảnh của phim với quầy bán thịt, hiệu buôn vải, tiệm vàng – cầm đồ của ông Ba Sang (NSƯT Trung Dân đóng) được giữ lại.
Thời điểm tháng 9-11, rừng tràm Trà Sư bước vào mùa đẹp nhất năm, là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch An Giang nói riêng và miền Tây nói chung.
Du khách sẽ ngồi trên những chiếc xuồng ba lá hoặc thuyền máy, thong dong len lỏi qua những cánh rừng tràm xanh mướt, rợp bóng mát, xuyên giữa thảm bèo tây ken đặc, dày như tấm thảm xanh – hình ảnh độc đáo chỉ có vào mùa nước nổi. Khi di chuyển bằng xuồng ba lá, du khách có thể lắng nghe âm thanh chuyển động của mái chèo khua nước và những chú chim ríu rít hót.
Mùa nước nổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài cá tôm và là điểm đến hấp dẫn cho nhiều loài chim. Xuôi theo dòng kênh, bạn sẽ bắt gặp hàng chục loại chim khác nhau đang bay lượn, săn mồi, làm tổ…, ngắm những bông sen nở rực rỡ còn sót lại sau hè.
Theo kết quả nghiên cứu của đại học An Giang, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (giang sen) và cò cổ rắn (điêng điểng). Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu.
Để thuận tiện du lịch Trà Sư, du khách nên nghỉ đêm ở thành phố Châu Đốc. Thời gian di chuyển từ thành phố tới rừng tràm khoảng 40 phút bằng ô tô hoặc xe máy, đường đi thuận lợi. Du khách có thể đến thăm rừng tràm vào sớm bình minh 6-9h sáng hay 15-17h chiều – thời điểm các loại chim, cò tụ tập về nhiều.
Vé tham quan khu rừng tràm và thưởng ngoạn cầu tre dài nhất Việt Nam có giá 100.000 đồng/người, miễn phí với trẻ em dưới 1m3 và người trên 70 tuổi. Vé dịch vụ tàu (xuồng máy) hay xuồng chèo đều 50.000 đồng/người/lượt. Du khách có thể đặt tour trọn gói từ các đơn vị du lịch uy tín.
Tại rừng tràm Trà Sư có cây cầu tre xuyên rừng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 10km và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, cầu mới hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động đầu năm 2020 với chiều dài gần 4km. Đi men theo cây cầu, du khách như “lạc” vào khung cảnh thiên nhiên xanh mướt, yên bình.
Nếu muốn quan sát bao quát hơn về rừng tràm, du khách nên ghé lầu vọng cảnh và sử dụng kính viễn vọng. Với tầm nhìn 25 km, du khách có thể ngắm toàn bộ rừng tràm.
Tại khu du lịch cũng có các nhà hàng phục vụ đặc sản miền Tây như: cá lóc nướng, lẩu cá linh điên điển (mùa nước nổi cũng là mùa cá), lẩu mắm, gỏi cổ hũ dừa, bánh xèo…
Theo thống kê của Vivu Journeys, kể từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau, tỷ lệ khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm du lịch miền Tây tăng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch Covid-19. Du khách quốc tế yêu thích điểm đến này thường tới từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Hà Lan.
Du khách có thể tham khảo lịch trình: Sáng tham quan làng bè nổi sắc màu Châu Đốc, làng người Chăm ở thị trấn Đa Phước, thăm chợ Châu Đốc mua đặc sản và chiều tới rừng tràm Trà Sư. Khi trở về có thể tìm tới ngắm hoàng hôn ở núi Sam.
Núi Sam là ngọn núi nổi tiếng ở TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang). Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 200 đền, chùa, am, miếu… từ chân núi, sườn núi đến đỉnh núi Sam. Trong đó, nổi tiếng linh thiêng nhất là Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, được công nhận là Khu Du lịch quốc gia vào năm 2018. Tại đây cũng có những khu nghỉ ấn tượng, điểm trekking hay ngắm hoàng hôn thu hút du khách trong nước, quốc tế ghé thăm.
Về lưu trú, tại Châu Đốc hiện nay đã có một số khu nghỉ dưỡng cao cấp như Victoria Núi Sam Lodge, Victoria Châu Đốc, Resort Sang Như Ngọc…